Những năm gần đây, tỉnh Long An bứt phá trở thành một trong những địa phương tăng trưởng dẫn đầu, là một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao nhất cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Được đánh giá là nơi có môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn bởi vị trí địa lý cũng như những cơ chế, chính sách thu hút ưu đãi, thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thị trường trong khu vực, nhất là TP.HCM.
Đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư
Long An là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với TP.HCM và tỉnh Tây Ninh về phía Đông; giáp với Campuchia về phía Bắc; giáp với tỉnh Đồng Tháp phía Tây và giáp tỉnh Tiền Giang về phía Nam. Vì vậy, có thể coi Long An là gạch nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ, với những lợi thế bổ sung cho nhau tạo thành liên kết vùng hoàn hảo. Với vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi này, Long An còn được ví là cửa ngõ nối thông TP.HCM với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhờ khai thác đồng bộ, hiệu quả các lợi thế vượt trội, riêng có của địa phương; đồng thời, nỗ lực thực hiện vai trò, trách nhiệm của một địa phương được xem là động lực tăng trưởng của vùng. Những năm qua, Long An liên tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; chủ động tiếp cận các tổ chức, nhà đầu tư lớn, các dự án phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh có hơn 18.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 379.711 tỷ đồng. Tỉnh cấp mới 16 dự án với tổng vốn hơn 2.800 tỷ đồng; toàn tỉnh có 2.215 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký hơn 300.786 tỷ đồng. Tỉnh cấp mới 44 dự án FDI, tăng 12 dự án với vốn cấp mới hơn 226 triệu USD. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.301 dự án FDI, tổng vốn hơn 11,2 tỷ USD; trong đó có 635 dự án đi vào hoạt động, vốn hơn 4,2 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Long An luôn sẵn sàng cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh một cách bền vững; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tổ công tác đặc biệt của tỉnh, các ngành, các cấp trong tỉnh (theo phân cấp phân quyền) thường xuyên gặp gỡ để lắng nghe, giải quyết kịp thời các vấn đề của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Tỉnh luôn quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện để góp phần nâng cao chất lượng, tăng tính công khai, minh bạch trong cung cấp các dịch vụ công nhằm phục vụ người dân doanh nghiệp với chất lượng ngày càng tốt hơn.
Phát triển khu công nghiệp
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Long An là địa phương đứng thứ 3 cả nước trong quá trình phát triển các khu công nghiệp (sau tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương). Cũng là địa phương luôn nằm trong top đầu thu hút FDI. Long An được đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, Long An đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu; toàn tỉnh đã có 35 KCN được thành lập với tổng diện tích được quy hoạch là 9.364,47 ha. Trong đó, có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích quy hoạch là 5.982,14 ha (đất công nghiệp là 4.278 ha, đã cho thuê là 2.899,94 ha); có 09 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đang triển khai thực hiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KCN với diện tích quy hoạch là 2.466,8 ha.
Ngoài ra, có 05 KCN với diện tích quy hoạch là 997,86ha đã nộp hồ sơ xin cấp chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Còn lại 11 KCN với diện tích quy hoạch 2.183,5ha đang thực hiện các thủ tục về quy hoạch, sẽ thực hiện thủ tục cấp chủ trương đầu tư sau khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Long An sẽ có thêm 17 khu công nghiệp thành lập mới với diện tích gần 3.200 ha, toàn tỉnh sẽ có 51 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.433 ha, vươn lên xếp thứ hai cả nước về diện tích các khu công nghiệp. Định hướng đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhìn vào quyết tâm của Long An khi thực hiện các kế hoạch và phát triển đô thị nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, có thể nói, Long An đang đi đúng hướng khi tập trung phát triển hạ tầng, phục vụ cho quá trình phát triển đô thị, phát triển kinh tế – xã hội, để trở thành “tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước”.
Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, với kế hoạch phát triển hạ tầng đã được chính quyền tỉnh quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, rất dễ thấy, Long An hoàn toàn có thể trở thành địa phương giữ vai trò quan trọng trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Nhìn sang tỉnh Bình Dương, nhờ tập trung phát triển hạ tầng kết nối vùng nên ngay cả những khu vực tưởng chừng không có tiềm năng phát triển cũng trở thành vùng, khu công nghiệp tốt. Trong khi đó, Long An còn loay hoay với hạ tầng trong nhiều năm nay. Sắp tới đây, rất nhiều hạ tầng kết nối vào năm 2025 – 2026 sẽ mở ra triển vọng phát triển cho Long An cũng như hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.