Giá đất phía Đông, Nam và Tây TP HCM đua nhau nhảy múa, thậm chí hướng biển heo hút là Cần Giờ cũng không ngừng leo thang. Mức tăng phổ biến 10-40% trong 4 tháng và tăng 1,5-2 lần nếu so với 12 tháng qua.
Nhen nhóm từ đầu 2016 và tiếp tục bùng phát trong những tháng đầu năm 2017, cơn sốt đất tại TP HCM được các chuyên gia bất động sản cảnh báo đã xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường, đáng lo ngại.
Trục đô thị phía Đông thành phố gồm các quận 2, 9, Thủ Đức, được cho là điểm khởi đầu của cơn sốt. Đất trên địa bàn 3 quận này đã kéo dài tình trạng tăng giá 5-10% nhích lên 30-50%, sau đó liên tục tiến dần đến ngưỡng tăng đột biến 70-100%, thậm chí gấp 1,5-2 lần trong suốt quãng thời gian 2016-2017.
Trong 4 tháng qua, giá đất khu Đông TP HCM bao gồm quận 2, 9, Thủ Đức tăng 20-40%. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá đất khu vực này tăng phổ biến ở ngưỡng 100-200% dù trước đó (giai đoạn 2015-2016), đất nền nơi đây đã không ngừng thiết lập mặt bằng giá mới.
Cơn sốt được cho là bắt nguồn từ những chuyển biến hạ tầng “đi trước” của khu Đông so với cục diện chung toàn TP HCM. Bên cạnh những dự án đã và đang thực hiện: đường vành đai, đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến Metro số 1, hàng loạt công trình hạ tầng mới liên tục được cập nhật khá ấn tượng.
Trong những tháng đầu năm 2017, TP HCM tiếp tục công bố thêm kịch bản bổ sung hạ tầng mới. Đó là các hạng mục cầu vượt qua đường Mai Chí Thọ, hầm chui 2 chiều kết nối đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng đi về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại. Cuối tháng 4, dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2 (tại nút giao An Phú dọc theo tuyến đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây) được khởi công.
Ngoài ra, cũng trong tháng 4/2017, UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho triển khai dự án xây cầu qua đảo Kim Cương một cách khẩn cấp (áp dụng hình thức chỉ định thầu) để nối khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi vào đảo Kim Cương, giảm ùn tắc ở cửa ngõ phía Đông thành phố.